Thương mại Kinh_tế_Việt_Nam_thời_Nam_Bắc_triều

Nội thương

Khác với nhà Hậu Lê, nhà Mạc áp dụng chính sách cởi mở, thông thoáng đối với hoạt động công nghiệp và thương mại. Điều đó tạo tiền đề cơ bản cho kinh tế hàng hóa phát triển[19].

Trung tâm buôn bán lớn nhất cả nước là Thăng Long và phố Hiến (Hưng Yên). Ngoài ra, tại Bắc Bộ đã hình thành mạng lưới chợ khá dày, mặc dù chính địa bàn này cũng trải qua binh lửa do quân Nam triều nhiều lần đánh ra, như chợ Cầu Nguyễn (Thái Bình), chợ Tứ Kỳ (Hải Dương), chợ Nghĩa Trụ (Hưng Yên), chợ Cẩm Khê (Hải Phòng), chợ La Phù (Hà Nội), chợ Hậu Bổng (Hải Dương), chợ Đặng Xá (Hà Nội), chợ Phúc Lâm (Hà Nội), chợ Đào Xá (Hà Nội), chợ Cẩm Viên (Vĩnh Phúc), chợ Bộc Đông, chợ Phù Ninh, chợ Đặng Xá… Ngay cả vùng Thuận Hóa trong thời nhà Mạc quản lý, hoạt động buôn bán cũng diễn ra khá sôi nổi[20].

Các mặt hàng buôn bán tại các chợ chủ yếu là vải vóc, tơ lụa, gấm, bạc, thuốc bắc, gốm sứ… Sự phát triển của thủ công nghiệp càng thúc đẩy thương mại phát triển. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng và Chu Đậu có mặt từ đông bằng Bắc Bộ vào đến Thanh Hóa.

Hoạt động thương mại được hỗ trợ bằng mạng lưới giao thông thủy bộ. Nhiều tài liệu văn bia cổ ghi lại việc chú trọng sửa sang đường sá và làm cầu, tu sửa cầu của nhà Mạc. Tại Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) còn dấu tích những bến đóng thuyền của nhà Mạc[21].

Ngoại thương

Với chính sách kinh tế cởi mở, nhà Mạc chủ trương không "ức thương" hay "bế quan tỏa cảng" như nhà Hậu Lê. Điều đó khiến ngoại thương nước Đại Việt có những bước chuyển biến tích cực[22].

Gốm sứ Đại Việt mở rộng thị trường tới vùng Đông Nam Á mà không gặp phải nhiều sự cạnh tranh[23]. Các làng gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng, Chu Đậu, Hợp Lễ và một số trung tâm khác như Nam Sách, Bình Giang, Chí Linh (Hải Dương) ngoài việc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và đồ cống phẩm còn có số lượng lớn để xuất khẩu.

Đồ gốm sứ Chu Đậu, Hợp Lễ từ nơi sản xuất theo các dòng sông theo thuyền buôn sang Đông Nam Á, Trung QuốcNhật Bản hay các nước phương Tây. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Hasebe Gakuji cho rằng: Sự có mặt của đồ gốm Đại Việt ở Nhật Bản có ảnh hưởng lớn đến một số lò gốm của quốc gia này, tạo ra phong cách mô phỏng theo gốm Việt Nam mà người Nhật gọi là gốm Kochi (Giao Chỉ) như lò gốm Onuke ở Seto[24].

Trong khi đó ở vùng Bắc Trung bộ trong tay nhà Lê, sử sách gần như không ghi nhận hoạt động thương mại nào[25]. Tại vùng Thuận-Quảng của Nam triều do Nguyễn Hoàng quản lý từ cuối thời Nam Bắc triều, hoạt động thương mại cũng được tạo điều kiện khá ổn định, "ngoài chợ không nói thách", "thuyền buôn nước ngoài thường đến buôn bán, trao đổi phải giá"[26].